Trần Công Mẫn Trần_Ứng_Long

Góp phần lớn trong chiến công của Trần Ứng Long là tướng tiên phong Trần Công Mẫn dưới quyền chỉ huy của ông. Theo truyền thuyết Đinh Lê[4] Trần Công Mẫn là con lương y Trần Đồng và vợ là Phạm Thị Hương ở huyện Lương Giang, Ái Châu (Thanh Hóa). Trần Công Mẫn có khuôn mặt vuông, tai lớn, mắt phượng, mày thanh, trông thật là khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên, Trần Công Mẫn hay đọc sách binh thư, ham tập luyện võ nghệ, cung kiếm. Năm chàng 20 tuổi thì cha mẹ đều mất, lúc này Hậu Ngô Vương suy yếu, thổ hào các nơi nổi lên cát sứ, tự trị từng vùng, tranh giành nhau không ai chịu ai cả, làm cho nhân dân vô cùng điêu đứng, lầm than.

Trần Công Mẫn lên đường những mong tìm được minh chủ để thờ. Trên đường đi, Mẫn qua làng Thái Duyến trọ tại một trang trại của người họ Trần, có một người con gái tên là Trần Thị Xuyến, tuổi vừa đôi mươi, nhan sắc chim sa cá lặn. Sáng sớm hôm sau, khách từ biệt chủ để đi tiếp. Trần trang chủ lưu khách lại đãi cơm rồi cho con gái ra tiếp nước, sửa sang giúp hành trang cho chàng. Trai quốc sắc, nữ thiên hương, càng nhìn vẻ mặt càng nồng uyên ương. Vợ chồng Trần lão mừng lắm cho đôi trai tài, gái sắc kết duyên. Trần Công Mẫn lưu lại ít ngày rồi từ biệt trang trại nhạc phụ và người vợ để lên đường theo chí hướng. Khi đến Bồ Hải Khẩu, chàng mới biết tin Trần Minh Công, thống soái quân ở đây đã giao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh kéo quân về động Hoa Lư xây thành, đắp lũy,hùng cứ một phương. Chẳng ngại đường xa dặm thẳng, chàng Mẫn cầm phong thư của Trần Minh Công, một người, một ngựa xăm xăm tìm lối về động Hoa Lư. Vạn Thắng Vương xem xong bức thư của Trần Minh Công gửi tới, liền phong cho Trần Công Mẫn làm Tướng tiên phong của đạo quân do Tướng Trần Ứng Long trực tiếp chỉ huy, chuẩn bị xuất quân đánh sứ quân Đỗ Cảnh ThạcĐỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Nội).

Sau khi dẹp tan loạn mười hai sứ quân, non sông thống nhất. Vạn Thắng Vương đăng quang Hoàng đế. Nhà vua phong thưởng cho ba quân tướng sĩ. Trần Công Mẫn được phong chức Đô Úy Đại tướng quân, cấp cho thực ấp ở trang Thái Duyến, Đến ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Mão, Đô Úy Đại tướng quân Trần Công Mẫn bỗng nhiên không bệnh mà mất tại thực ấp Thái Duyến,Vua Đinh sắc ban ông là Nam Đô Thành Hoàng, lại ban thêm tiền bạc để nhân dân Thái Duyến lập miếu phụng thờ. Hội làng hàng năm được mở vào ngày tướng quân mất, bao giờ bảy giáp của trang Thái Duyến cũng thi bơi thuyền diễn lại tích thuyền thúng đuổi giặc của 2 tướng quân họ Trần. Rồi nơi đây trù phú, dân cư mở chợ đông vui, để tưởng nhớ 2 tướng quân họ Trần, họ mới đặt tên chợ là chợ Trần, lâu ngày gọi chệch thành chợ Giần (nay thuộc Vụ Bản, Nam Định).